Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, trong quý II/2022, thị trường bất động sản trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhà nước và các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai, đưa dự án vào hoạt động. Cùng với đó, nhiều dự án bất động sản trên địa bàn đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư, đất đai, xây dựng.
Giao dịch bất động sản hiện đang tăng mạnh
Cụ thể, trong quý II/2022, thị trường bất động sản Khánh Hòa đã đạt tổng giá trị giao dịch gần 8.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có một dự án đủ điều kiện mở bán là dự án nhà ở thấp tầng thuộc khu nhà ở liền kề thuộc quần thể nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí KN Paradise gồm 1.321 căn nhà liền kề.
Theo Sở Xây dựng, tỉnh Khánh Hòa hiện có 10 dự án nhà ở thương mại với khoảng 4.796 căn. Trong đó, có 9 dự án đang triển khai với 3.475 căn và một dự án hình thành trong tương lai với 1.321 căn.
Ngoài ra, Khánh Hòa có 3 dự án nhà ở thu nhập thấp tại các khu đô thị đang triển khai xây dựng với 1.490 căn. Cùng với đó, 26 dự án nghỉ dưỡng với 12.149 căn hộ du lịch và 2.588 biệt thự du lịch đang được triển khai.
Tuy nhiên, lượng giao dịch bất động sản tại Khánh Hòa không đến từ các dự án mà tập trung chủ yếu ở phân khúc đất nền với tổng giá trị giao dịch hơn 7.820 tỷ đồng. Cụ thể, chung cư có khoảng 168 giao dịch và 760 giao dịch nhà ở riêng lẻ. Trong khi đó, đất nền có 7.742 giao dịch.
Siết chặt phân lô bán nền
Về các dự án phân lô bán nền, trong thời gian gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có tốc độ phát triển nhanh, buộc chính quyền phải siết chặt tình trạng phân lô bán nền.
Bởi hầu hết các khu đất nền được rao bán hiện nay đều trong tình trạng bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp, lãng phí tài nguyên và an sinh xã hội. Hầu hết các nhà đầu tư không thực sự có nhu cầu về nhà ở, nhưng việc phân lô, bán nền chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ngắn hạn trước mắt cho một số đối tượng đầu cơ, tích trữ đất nền.
Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản tại Khánh Hòa Phan Việt Hoàng cho rằng, nếu không kiểm soát được tình trạng phân lô bán nền tự phát sẽ gây ra nhiều hệ lụy phức tạp như khiếu kiện, phá vỡ quy hoạch phát triển chung của khu vực, bao gồm cả quy hoạch giao thông và xây dựng.
Trong trường hợp hình thành nhiều các khu dân cư tự phát có quy mô lớn sẽ dẫn đến những bất cập trong việc giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường… cho người dân. Về lâu dài sẽ để lại nhiều hậu quả tiêu cực cho xã hội, làm cạn kiệt tài nguyên. Đối với các dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận quỹ đất vì tình trạng “da beo”, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư – ông Phan Việt Hoàng nói.
Theo ông Phan Việt Hoàng, thị trường bất động sản tại Khánh Hòa đang tăng giá mạnh khiến người có nhu cầu nhà ở thực sự rất khó khăn. Nhiều người thu nhập thấp không thể kiếm được mảnh đất thuận lợi để ở, trong khi giới đầu cơ bỏ trống. Việc đầu tư xuống đất không có quy hoạch hoặc đang trong giai đoạn quy hoạch tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Liên quan đến những vấn đề trên, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu UBND huyện Cam Lâm hủy bỏ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất đối với một số trường hợp hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa không đúng quy định với pháp luật…
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản gửi các sở như: Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Ngành NN & PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu kiểm tra, ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng trên và xử lý nghiêm các trường hợp san đồi, san lấp hồ, ao, bờ sông, bờ suối… để phân lô, bán nền.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong việc phân lô, bán nền khi chưa đủ điều kiện pháp lý để thực hiện giao dịch mua bán, UBND tỉnh Khánh Hòa. Thành ủy đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng khi xem xét, xử lý từng trường hợp cụ thể liên quan đến việc tách thửa, hợp thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp, đất thương mại, đất dịch vụ và các loại đất khác sang đất ở…).
Đồng thời, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, định hướng phát triển của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030, có tầm nhìn đến năm 2040.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, ngoài đồ án quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Khánh Hòa hiện đang triển khai nhiều quy hoạch lớn nên giới đầu tư bất động sản rất nhộn nhịp.
Cụ thể, Khánh Hòa đang lập cùng lúc 3 đồ án quy hoạch lớn gồm: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung về xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch vùng tại tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Bên cạnh đó, ngành du lịch đón khách quốc tế trở lại được coi là động lực cho thị trường bất động sản năm 2022. Với những hiệu ứng tích cực trên, dự báo thị trường bất động sản tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới sẽ còn tăng trưởng.